Năm 2022, Khi tự làm bánh trung thu các bạn có thể gặp một số lỗi như bánh trung thu nướng bị phồng hay nhân bánh trung thu không kết dính,… vậy các bạn có biết nguyên nhân và cách khắc phục không. Bài viết sau sẽ giải quyết thắc mắc cho các bạn
1.Bánh trung thu nướng bị phồng
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là sau khi nướng bánh phần vỏ của bánh phồng to lên, biến dạng. Lý do chủ yếu là:
– Làm sai phần nhân sên khiến nhân còn ướt.
– Dùng nhiệt độ quá cao để nướng bánh.
Cách khắc phục tình trạng này:
– Nhân sên của bánh cần được làm đúng yêu cầu, công thức và phải canh chuẩn thời gian làm nhân. Sau khi làm cần kiểm tra nhân có đủ mềm, mịn và phải ráo dầu trước khi làm bánh.
– Dùng phần giấy bạc để che mặt bánh và quan trọng là phải canh chuẩn nhiệt đổ để không xảy ra tình trạng bánh trung thu nướng bị phồng.
2.Vỏ bánh trung thu nướng bị khô
Khi bạn nướng bánh xong nhưng vỏ bánh vẫn không mềm và bị khô cứng thì đây là nguyên nhân:
– Bánh bị nướng ở nhiệt độ quá cao hoặc nướng bánh quá lâu.
– Nước đường bị nấu quá đặc.
– Phần nhân không đủ dầu, bị khô.
Cách khắc phục tình trạng này:
– Nướng bánh ở nhiệt độ thích hợp, nhiệt độ nướng sẽ phụ thuộc vào kích thước của bánh.
– Kiểm tra phần nước đường: Bạn hãy lấy một giọt nước đường cho vào 1 chén nước lã, nếu bị nước đường vón lại nghĩa là nước đường đang bị đặc, cần được nấu lại.
– Kiểm tra phần nhân xem đã đủ mịn, mềm và không bị khô chưa.
3.Vỏ bánh trung thu nướng bị ướt
Nếu bánh trung thu sau khi nướng để bên ngoài một thời gian vỏ bánh bị ướt, có cảm giác dính dính khi sờ vào thì đây là nguyên nhân:
– Phần nước đường nấu chưa đủ lâu.
– Xịt nước quá nhiều trong lúc nướng bánh.
– Sử dụng quá nhiều nước đường khi làm hỗn hợp phết bánh.
Cách để khắc phục tình trạng này:
– Nước đường nên để 1-2 tuần trước khi dùng để làm bánh.
– Chỉ xịt nước vừa đủ trong quá trình nướng bánh, không nên xịt quá nhiều.
– Chỉ nên sử dụng một ít nước đường để làm hỗn hợp phết bánh.
4.Bánh trung thu nhanh bị ôi thiu
Đây là nguyên nhân khiến bánh trung thu khi để bên ngoài một khoảng thời gian ngắn đã bị mốc, ôi thiu:
– Nguyên liệu để làm bánh đã cũ, không còn tươi.
– Sử dụng quá ít lượng đường trong quá trình làm bánh.
– Cách bảo quản bánh không hợp lý.
Cách để khắc phục tình trạng này:
– Phải lựa chọn nguyên liệu làm bánh tươi mới, chất lượng và đảm bảo vệ sinh.
– Sử dụng đúng lượng đường khi làm bánh. Có thể gia giảm theo khẩu vị nhưng không được quá nhiều.
– Bánh trung thu sau khi làm cần phải được bảo quản trong hộp đựng thực phẩm hoặc túi nilong, đặt ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc để trong tủ lạnh. Cần đảm bảo bánh phải khô ráo trước khi bảo quản, nếu được thì nên sử dụng gói hút ẩm để bảo quản bánh lâu hơn.
5.Nhân bị tách rời với vỏ bánh trung thu
Nhân bánh rời rạc, không kết dính, tách rời với vỏ bánh trung thu, sau đây là nguyên nhân:
– Nặn bánh chưa được đều tay.
– Vỏ bánh không được bọc sát với nhân bánh khiến không khí len vào giữa phần vỏ và nhân.
– Nhân bánh không đủ mềm và ẩm để bám vào phần vỏ.
Cách để khắc phục tình trạng này:
– Nặn bánh thật đều tay, ép chặt phần vỏ bánh vào nhân bánh để đẩy hết không khí thừa ra.
– Nhân bánh nên được làm vừa đủ mềm, mịn và không khô.
6.Nhân bánh trung thu thập cẩm không kết dính
Sau đây là nguyên nhân khiến cho phần nhân bánh trung thu thập cảm bị rời rạc, không kết dính:
– Nguyên liệu cắt không đều, cắt quá to.
– Phần nhân bánh trung thu thập cẩm không có bột bánh dẻo.
Cách để khắc phục tình trạng này:
– Nguyên liệu để làm bánh nên được cắt nhỏ, đều trước khi nặn.
– Cho thêm một lượng bột bánh dẻo hoặc nước đường theo công thức vào phần nhân.
7.Nhân bánh trung thu đậu xanh bị tươm dầu
Phần nhân bánh trung thu đậu xanh có dấu hiệu bị tươm dầu do:
– Dầu được cho vào cùng lúc sên nhân và cho dầu quá nhiều.
– Sên nhân với lửa lớn.
– Phần đậu xay để làm nhân cho quá ít nước.
Cách để khắc phục tình trạng này:
– Sử dụng lượng dầu vừa đủ, đúng với công thức.
– Sử dụng lửa vừa trong lúc sên nhân.
– Khi sên nhân thì cần cho từ từ dầu vào.
– Nếu như phát hiện nhân bánh bị tươm dầu sớm thì nên vặn nhỏ lửa, dùng giấy thấm bớt dầu.
8.Vỏ bánh trung thu nướng bị nứt
Nếu bánh có xuất hiện những vết nứt trên bề mặt hoặc trên phần thân thì đây là nguyên nhân:
– Bột làm bánh trung thu bị nhào quá khô, do quá trình làm bột bị thiếu chất lỏng.
– Bánh trung thu bị phết lên một lớp trứng quá dày.
– Phết trứng lên bánh lúc bánh chưa khô và còn nóng.
Cách để khắc phục tình trạng này:
– Làm bột bánh đúng công thức, nhào bột đều tay.
– Hỗn hợp trứng nên được quét mỏng 1 lớp lên phần vỏ để bánh có vàng đẹp, và chỉ quét khi bề mặt vỏ bánh đã khô hoàn toàn.
9.Bánh trung thu bị biến dạng sau khi nướng
Khi bạn thấy bánh trung thu bị biến dạng sau khi nướng thì có thể lý do là:
– Bột làm bánh bị làm sai cách, nhào bột quá lâu khiến bột trở nên nhão, ướt và mất đi độ đàn hồi.
– Lớp trứng được phết lên mặt bánh quá dày cũng làm bánh mất đi hoa văn.
Cách để khắc phục tình trạng này:
– Bột làm bánh cần được làm đúng theo công thức, cho đúng lượng lòng đỏ trứng, dầu ăn,… và không nên nhào bột quá lâu.
– Lớp trứng chỉ cần phết 1 lớp mỏng lên mặt bánh, không phết quá dày.
10.Màu bánh trung thu nướng không đẹp
Đây là nguyên nhân khiến bánh trung thu sau khi nướng lên màu nhạt, không đẹp:
– Thời gian nướng bánh quá ngắn, chưa đủ quy định.
– Nướng bánh bằng nước đường vừa nấu, màu nhợt nhạt.
Cách để khắc phục trình trạng này:
– Cần nướng bánh đúng với thời gian quy định.
– Nước đường nên để 1-2 tuần trước khi dùng để nướng bánh để màu lên được đẹp.
– Phủ lên bánh 1 lớp giấy bạc cũng giúp giữ được màu sắc của bánh.
11.Bánh trung thu dẻo khó tạo hình, không sắc nét
Có 3 nguyên nhân chính khiến bánh trung thu dẻo trở nên khó tạo hình, không sắc nét là:
– Bột trộn không đúng theo công thức.
– Bột làm bánh bị nhào quá kỹ khiến cho bột bị chai cứng, khó nặn.
– Chất lượng khuôn không được tốt.
Cách để khắc phục tính trạng này:
– Bột làm bánh phải được làm đúng theo công thức, nhào vừa đủ khiến cho bột trở nên dẻo, mềm mịn, các thành phần của bột phải được quyện đều vào với nhau.
– Bột sau khi nhào không được để quá lâu, phải đem đi làm bánh ngay.
– Nếu làm nhiều bánh thì nên chia bột thành nhiều phần để nhào.
– Bạn nên chọn những loại khuôn đúc có hoa văn sâu, chất lượng để bánh được đẹp và sắc nét.
12.Vỏ bánh trung thu dẻo bị khô, cứng
Tình trạng vỏ bánh trung thu dẻo bị khô, cứng chủ yếu do;
– Bột bánh được trộn chưa đạt yêu cầu.
– Cho quá nhiều bột khô trong lúc trộn bột.
Tùy vào cảm nhận bột và kinh nghiệm của từng người sẽ có cách khắc phục khác nhau nhưng chủ yếu sẽ là:
– Cho thêm một ít nước đường vào lúc trộn bột.
– Không nên nhào bột quá lâu để tránh tình trạng bột bị chai, cứng.
13.Vỏ bánh trung thu dẻo bị nhão
Nguyên nhân chính khiến vỏ bánh trung thu dẻo bị nhão là:
– Tỷ lệ nước đường và bột không giống theo công thức. Cụ thể là nước đường nhiều hơn.
– Mỗi loại bột khác nhau sẽ có tỷ lệ các nguyên liệu khác nhau nên cần kinh nghiệm và hiểu biết về loại bột mình đang dùng làm bánh.
Cách để khắc phục tình trạng này:
– Cho thêm bột khô vào hỗn hợp bột vừa trộn. Lưu ý, nên cho từ từ và nhào đều tay cho đến khi cảm thấy bột đã đủ độ dẻo, mêm mịn.
14.Vỏ bánh trung thu dẻo không trong
Vỏ bánh trung thu dẻo sau khi làm không được trong như ý muốn thường là do bạn đã sử dụng quá nhiều bột áo trong quá trình làm bánh, khiến lớp vỏ bánh không có đủ nước để làm ảm lớp bột áo này. Điều này còn làm cho bánh bị khô đi vì nhân bánh đã bị lớp vỏ hút hết nước.
Cách để khắc phục tình trạng này:
– Chỉ nên phủ một lớp bột áo mỏng trước khi đưa vào khuôn.
– Có thể dùng cọ để quét nhẹ đi một phần lớp bột áo nếu lớp bột quá dày.
Trên đây là những lỗi thường gặp và cách sửa lỗi, khắc phục khi làm bánh trung thu. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn có thể tự làm ra những chiếc bánh thật thơm ngon để thưởng thức cùng với gia đình trong ngày tết Trung Thu nhé.